Trang chủ Tin tức - sự kiện Chặn ô tô biển xanh, hú còi ưu tiên đi ngược chiều:...

Chặn ô tô biển xanh, hú còi ưu tiên đi ngược chiều: Việc của cảnh sát giao thông!

Ngày đăng:
1

Luật sư và chuyên gia cho rằng hành động người đàn ông tự ý chặn đầu ô tô biển xanh bật còi ưu tiên đi ngược chiều ở TP Hà Nội là không thích hợp.

Đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM (đoạn từ cầu vượt Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ đến đoạn giao đường Trường Chinh) chiều 21-12, xe máy, ô tô con, xe tải nhỏ lưu thông dày đặc.

Ngột ngạt

Đoạn đường chia thành 2 làn bằng dải phân cách. Thỉnh thoảng một số xe máy đi ngược chiều khiến người đi đường khó chịu. Giữa đám đông phương tiện, nhiều tiếng còi, tiếng càu nhàu hoặc tiếng cự nự vì va quệt vang lên.

Quốc lộ 13, đoạn qua phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức giờ cao điểm ùn ứ ở 2 làn đường, tình trạng xe đi ngược chiều cũng xảy ra. Anh Nguyễn Minh Hòa, 27 tuổi (ngụ TP Thủ Đức) cho hay thường xuyên đi qua nơi đây, chứng kiến chạy ngược chiều anh rất “ớn”.

“Vừa rồi, đọc tin tức ô tô biển xanh ở Hà Nội phát tín hiệu làm nhiệm vụ bị chặn đầu, tôi bức xúc vì thế nào cũng gây tình trạng ùn ứ. Theo clip, trên đường lúc này đang kẹt xe, hành động ra vẻ “anh hùng” của người đàn ông ấy không giúp tình hình trở nên tốt hơn mà giao thông càng phức tạp” – anh Hòa chia sẻ.

Với tình trạng đông đúc phương tiện tại đô thị, chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể gây ùn tắc nghiêm trọng

Với tình trạng đông đúc phương tiện tại đô thị, chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể gây ùn tắc nghiêm trọng

Sự việc anh Hòa vừa nhắc đang gây tranh cãi trên mạng xã hội. Cụ thể, một clip ghi lại chiếc xe biển xanh đang phát tín hiệu ưu tiên (đèn nháy, còi hụ) đi ngược chiều đường Chu Văn An, quận Ba Đình (TP Hà Nội). Một người đàn ông đi xe máy không nhượng bộ đã chặn đầu xe biển xanh này, đồng thời dùng điện thoại quay lại, yêu cầu xe biển xanh đi lùi lại và di chuyển đúng chiều đường…

Chế tài cho các vi phạm

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Phan Hòa Nhựt, Giám đốc Công ty Luật TNHH The Law, cho hay Luật Giao thông đường bộ quy định những loại xe có quyền ưu tiên. Trong đó, ngoại trừ xe tang, các xe khác khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định. Khi đúng quy định thì không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Trường hợp xe được quyền ưu tiên lắp, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định… thì bị phạt hành chính từ 400.000 – 600.000 đồng theo Nghị định 100/2019.

Cũng theo luật sư Phan Hòa Nhựt, xe biển xanh sử dụng còi sai mục đích hay không cần thêm điều tra từ cơ quan chức năng. Với người đàn ông trong clip, khi tự ý dừng xe biển số xanh nếu đúng xe ấy thi hành công vụ thì vi phạm hành chính vì cản trở xe ưu tiên. Mặt khác, việc dừng xe lấn chiếm đường cũng có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 100.

“Chặn xe ưu tiên khi đang thi hành nhiệm vụ là trái pháp luật và sẽ phạt hành chính từ 6 – 8 triệu đồng. Trường hợp mức độ nặng hơn, nếu đủ yếu tố có thể cấu thành tội hình sự, tội chống người thi hành công vụ” – luật sư Phan Hòa Nhựt thông tin.

Ứng xử đúng cách

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, cho rằng xe biển xanh chỉ được ưu tiên khi đang thực hiện nhiệm vụ và đang bật các tín hiệu theo quy định. Ngược lại, phương tiện không được hưởng quyền ưu tiên, bao gồm đi ngược chiều.

Trường hợp người đàn ông chặn ô tô biển xanh, có 2 vấn đề cơ quan chức năng nên làm rõ. Đó là ô tô biển xanh có thực sự đang đi làm nhiệm vụ hay không và phương tiện này đã trang bị, sử dụng thiết bị ưu tiên theo quy định của pháp luật hay chưa.

Hành động cố tình chặn đầu phương tiện khác của người đàn ông trên đường là sai vì đó là việc của CSGT. Tất cả hành vi vi phạm luật giao thông đều phải do cơ quan chức năng xử lý, người dân không được phép tự ý can thiệp, lại càng không có quyền thay CSGT bắt họ phải quay ngược lại.

Khi thấy xe đi ngược chiều, người dân chỉ được phép quay video gửi cơ quan chức năng xác minh. Không nên có hành động tự phong mình đại diện cho pháp luật, có quyền điều khiển người khác.

“Cần xử lý nghiêm người đàn ông đi xe máy nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu cho xã hội. Sau này sẽ có người khác thấy xe cứu hỏa, cứu thương, hay xe công an đi bắt tội phạm cũng đòi chặn lại kiểm tra thì sao?” – luật sư Trần Thị Thanh Thảo nêu khả năng.

PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia về xã hội học tội phạm, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM, cho biết trường hợp xe công vụ đã bật đèn ưu tiên thì một người dân không nên cản trở dù xe họ đi ngược chiều.

Về nguyên tắc, người đàn ông đã làm sai hoặc cố ý thể hiện “quyền uy”. Một xe công vụ đang bật còi hú mà chặn lại là hành vi khó chấp nhận. Việc nhân danh gì đi nữa để thực hiện hành vi ngăn chặn đều không đúng luật.

“Nếu không phải là xe không được ưu tiên mà lại đi ngược chiều thì người dân cần báo ngay cho lực lượng CSGT hoặc các đơn vị liên quan để xử lý” – PGS-TS Trương Văn Vỹ nêu ý kiến.

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TP HCM), người dân khi tham gia giao thông cần cẩn trọng, bảo đảm an toàn cho bản thân và hết sức lưu ý khi gặp các xe đang phát tín hiệu ưu tiên. Khi gặp xe đang phát tín hiệu ưu tiên, người dân cần phải giảm tốc độ, đi sát vào lề để nhường đường.

Theo Anh Vũ/Người lao động

https://baomoi.com/chan-o-to-bien-xanh-hu-coi-uu-tien-di-nguoc-chieu-viec-cua-canh-sat-giao-thong-r47877700.epi