- InnoEx 2023: Doanh nghiệp không còn cạnh tranh chỉ bằng tuổi đời và quy mô
- Lãi suất cao, sai phạm lũng đoạn thị trường… khiến cổ phiếu bớt hấp dẫn
- Đưa thủy sản Việt lên bàn ăn thế giới
- Locknlock tưng bừng khai trương cửa hàng chính hãng tại ESTELLA PLACE Shopping Center
- Hợp tác kinh doanh nhượng quyền LOCK&LOCK
Thông qua nhiều “công cụ”, Nam Á Bank đã làm đẹp tỷ lệ nợ xấu và tiếp tục “làm sạch” bằng cách tăng cường trích lập dự phòng.
Cố ý làm trái hướng dẫn?
Theo báo cáo hợp nhất quý I/2023 của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam Á Bank), chỉ trong 3 tháng đầu năm, nợ nhóm 3, 4 và 5 đã tăng 32,6% so với con số công bố cuối năm 2022, tức lên đến gần 2.581 tỷ đồng. Như vậy, so với tổng dư nợ cùng thời điểm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 2,01%.
Nhìn về những dữ liệu xa hơn, tỷ lệ nợ xấu luôn dưới 3%. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2016 – 2022, tỷ lệ thời điểm cao nhất cũng chỉ 2,94%, tức luôn trong ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào các chỉ số tài chính trên báo cáo kiểm toán hợp nhất 2020 của Nam Á Bank, dư nợ xấu ghi nhận vào thời điểm cuối năm tài chính là gần 744 tỷ đồng trên tổng dư nợ 89.172 tỷ đồng, tức tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,83%. Điều này có nghĩa dư nợ xấu đã giảm mạnh đến hơn 44% so với năm 2019.
Điểm bất thường là tại phần thuyết minh, đơn vị nêu rõ từ ngày 13/3/2020, đơn vị đã áp dụng Thông tư số 01/2020/TT-NHNN do NHNHVN ban hành quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo đó, đối với các khách hàng có các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19, và các khách hàng này không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, Nam Á Bank được phép cơ cấu lại thời gian trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020.
Đồng thời, liên quan đến vấn đề nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020, nội dung báo cáo kiểm toán Nhà nước vừa gửi Quốc hội đã chỉ ra rằng, nếu tính toán, xác định và phân loại lại các khoản nợ rủi ro cao như nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nợ xấu và các khoản thu khó đòi,… theo đúng hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, thì Nam Á Bank không đạt được mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3% như con số mà các báo cáo kiểm toán của đơn vị này phản ánh.
Như vậy, tỷ lệ nợ xấu mà Nam Á Bank công bố chưa phản ánh đúng thực chất chất lượng tín dụng của đơn vị này.
Thay kèo đổi cột, “làm đẹp” tỷ lệ nợ xấu
Cũng từ báo cáo kiểm toán 2020, các chỉ số cho thấy, số dư nợ xấu sụt giảm bất thường tương quan với sự gia tăng mạnh trái phiếu đặc biệt mua từ VAMC lên đến 1.950 tỷ đồng. Đây chính là khoản nợ Nam Á Bank đã bán cho VAMC với tổng số dư nợ gốc hơn 2.233 tỷ đồng và số dư dự phòng đã được trích lập của khoản nợ này trước khi bán là hơn 283 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2019, Nam Á Bank đã mua lại các khoản nợ đã bán cho VAMC với tổng giá trị nợ gốc là 181 tỷ đồng, tương ứng tổng mệnh giá trái phiếu VAMC là 168 tỷ đồng và đã sử dụng số tiền trích lập dự phòng xử lý rủi ro các khoản nợ được mua lại này, để xóa hoàn toàn số nợ xấu tại VAMC.
Như vậy, kể từ 2020, số dư trái phiếu đặc biệt VAMC mà đơn vị này nắm giữ đã trở lại vượt mốc nghìn tỷ, đồng thời duy trì “phong độ” cho đến cuối quý I/2023.

Cần biết thêm, VAMC mua nợ xấu thông qua hình thức phát hành trái phiếu với lãi suất 0% để hoán đổi và chính Nam Á Bank phải trích lập dự phòng cho số trái phiếu này. Đến kỳ đáo hạn, nếu VAMC vẫn không xử lý, không bán được nợ xấu, để trả tiền cho số trái phiếu Nam Á Bank đã mua thì khoản nợ được xử lý bằng chính số tiền Nam Á Bank trích lập dự phòng.
Như vậy, xét về bản chất, Nam Á Bank vẫn phải chịu trách nhiệm khoản nợ đã bán cho VAMC và đơn vị này chỉ thông qua VAMC để giãn nợ, đưa các khoản nợ xấu rời bảng cân đối kế toán, tạo ra những tỷ lệ nợ xấu đẹp…như mơ. Và sau đó, đơn vị này sẽ “làm sạch” nó bằng số tiền trích lập dự phòng.
Do đó, ngoài vai trò làm đẹp số liệu, phương thức này không thể giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu và Nam Á Bank vẫn phải gánh chịu tổn thất. Thực trạng đã đặt dấu hỏi về chất lượng tín dụng tại Nam Á Bank, khi tăng trưởng tín dụng cũng đồng thời gia tăng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu qua các năm liên tục được “làm đẹp” thông qua những “công cụ” đã được đề cập ở trên.
Nam A Bank gặp nhiều sóng gió hậu cố doanh nhân Tư Hường
- Ngân hàng TMCP Nam Á chính thức hoạt động từ ngày 21/10/1992, là một trong những Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên được thành lập sau khi Pháp lệnh về Ngân hàng được ban hành năm 1990.
- Nam Á Bank từng có thời kỳ sóng gió khi vướng vào lùm xùm tranh chấp tài sản trong nội bộ. Theo đó, năm 2016, ông Nguyễn Quốc Toàn, con trai của cố doanh nhân Tư Hường và ông Nguyễn Chấn, giữ ghế Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank. Em trai ông Toàn là ông Nguyễn Quốc Mỹ làm Phó Chủ tịch HĐQT.
- Tới năm 2019, tình hình tại Nam Á Bank bất ổn về nhiều mặt, trong đó có nhân sự. Có thời điểm, ông Nguyễn Quốc Toàn từng từ nhiệm và ông Trần Ngô Phúc Vũ được ủy quyền điều hành HĐQT Ngân hàng Nam Á khi có những kiện tụng nội bộ.
- Cùng năm 2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) có công văn gửi Nam Á Bank về việc C01 đang thực hiện điều tra vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” liên quan đến tài sản bị chiếm đoạt là cổ phần, cổ phiếu tại Nam Á Bank và một số công ty thuộc nhóm Hoàn Cầu. Cụ thể, việc tranh chấp xảy ra giữa chính những người trong gia đình ông chủ Nam Á Bank là ông Nguyễn Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT và bố đẻ là ông Nguyễn Chấn.
- Do đó, C01 yêu cầu tạm dừng chuyển nhượng cổ phần của Nam Á Bank đứng tên cá nhân, tổ chức mà cơ quan điều tra cung cấp. Đến đầu năm 2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự đối với vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” nêu trên.
- Năm 2022, hai con trai của cố doanh nhân Tư Hường rời ban lãnh đạo Nam Á Bank. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Nguyễn Quốc Mỹ đều không tham gia HĐQT mới của Nam Á Bank.
- Hiện tại, Chủ tịch HĐQT Nam Á Bank là ông Trần Ngô Phúc Vũ; Các Phó Chủ tịch HĐQT bao gồm: Trần Ngọc Tâm và Võ Thị Tuyết Nga; Thành viên HĐQT: Nguyễn Đức Minh Trí, Nguyễn Thị Thanh Đào, Lê Thị Kim Anh. Ban điều hành gồm có Tổng Giám đốc là Trần Ngọc Tâm; 7 Phó Tổng Giám đốc bao gồm: Trần Khải Hoàn, Hoàng Việt Cường, Hà Huy Cường, Lê Anh Tú, Võ Hoàng Hải, Nguyễn Vĩnh Tuyên, Hồ Nguyễn Thuý Vy.
- Theo Đặng Thành/TTV