- Phát hiện hồ nước trong vắt, ‘treo’ lơ lửng trên vách hang ở Quảng Bình
- 3 lý do khiến Việt Nam trở thành ‘điểm nóng’ du lịch mới của châu Á
- Đặc sắc với mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp gắn với giáo dục kỹ năng nghề nghiệp tương lai cho học sinh
- Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 17 năm 2023: Tạo đột phá, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam
- “Vạn người mê” với nghệ thuật ẩm thực Sen Đồng Tháp
Nằm giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, với chiều dài hơn 20km, đèo Hải Vân quanh co, uốn lượn theo triền núi; tựa như một dải lụa vắt ngang dãy núi Bạch Mã. Một bên là núi, một bên là biển; bên trên nắng vàng rực rỡ, bên dưới sóng vỗ bạc đầu; những cánh rừng xanh thẳm, những ghềnh đá nhấp nhô làm mê đắm lòng người.
Khi hầm Hải Vân chưa được đưa vào sử dụng, do địa hình phức tạp, đèo Hải Vân là một trong những cung đường nguy hiểm bậc nhất Việt Nam, là nỗi lo của bất kỳ tài xế, hành khách nào khi đi qua khu vực này. Địa hình khu vực này phúc tạp, độ dốc cao, đường quanh co liên tục với nhiều đoạn cua rất nguy hiểm, mùa mưa cũng thường hay sạt lở. Khi hầm Hải Vân được đưa vào khai thác sử dụng, mật độ người lưu thông trên đèo giảm hẳn, đèo Hải Vân dần trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách, của các “phượt thủ”.
Thực tế, đèo Hải Vân đã rất nổi tiếng từ xa xưa, với phong cảnh nên thơ và hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà cách đây hơn 700 năm, khi vua Lê Thánh Tôn trên đường đi kinh lý (vào khoảng năm 1470) đã dừng chân trên đỉnh đèo cao gần 500m so với mực nước biển này và dành cho đèo Hải Vân lời đề tặng “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Sau này, vua Minh Mạng cũng cho khắc danh hiệu này lên cổng đá trên đỉnh đèo.
Từ Đà Nẵng, dọc theo quốc lộ 1A cũ, qua Hòa Minh, Hòa Khánh… tiến dần về Nam Ô. Địa phận đèo Hải Vân bắt đầu từ Nam Ô, con đường cứ dốc dần lên. Không giống với những cung đèo nổi tiếng ở Tây Bắc, đèo Hải Vân khá dốc, nhưng do núi lớn nên đoạn đường khá dài, không nhiều “cua tay áo”; vì thế du khách có thể điều khiển xe với vận tốc chậm và ngắm cảnh. Thêm nữa, hiện nay hầu như không còn khai thác phục vụ giao thông, lưu lượng người tham gia giao thông ở đây rất thấp, nên du khách cũng có thể dừng xe ngắm cảnh mà không lo lắng đến việc cản trở giao thông hoặc dễ gây tại nạn, ách tắc trên đèo. Từ trên đỉnh đèo nhìn xuống, sẽ thấy khá rõ thành phố Đà Nẵng sầm uất, một cung đường biển với bãi cát chạy dài bao quanh thành phố, bán đảo Sơn Trà sừng sững chắn gió cho thành phố, cảng Tiên Sa tấp nập… Đường sắt Bắc – Nam men theo triền núi, một bên dựa vào lưng núi, một bên nhìn ra biển, thỉnh thoảng lại mất hút trong lòng núi; đoàn tàu như một con trăn khổng lồ lượn vòng rồi chui vào hang núi… Thôn Hòa Vân (phường Hòa Hiệp Bắc) còn có tên gọi khác là làng Vân, trước kia là nơi hẻo lánh tập trung những người không may mắn bị bệnh phong sinh sống, giờ sắp trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng của Đà Nẵng.
Trên đường đèo, đặc biệt là khu vực đỉnh đèo, nhiều hàng quán được dựng lên để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi, uống nước sau hành trình dài. Trên những chặng đường đèo ngoằn ngoèo, có lúc, mây sà xuống che phủ cả con đường, như níu chân du khách, đúng như tên gọi của nó: Hải Vân – biển mây. Cái tên Hải Vân không biết có từ bao giờ, có lẽ nên hiểu như vậy, hoặc cũng có thể hiểu trên là trời xanh mây trắng, dưới là biển rộng bao la?
Đỉnh đèo có một cửa ải, gọi là Hải Vân Quan, được xây từ đời Trần, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua Minh Mạng đã cho trùng tu cửa ải này. Trên cửa ải, cửa trông về phía Bắc đề ba chữ “Hải Vân Quan”, cửa trông về phía Nam đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Hải Vân Quan giờ trở thành di tích, đặc biệt thu hút sự quan tâm của du khách; một vài lô cốt (tàn tích của Đồn Nhất) do quân đội Pháp xây dựng năm 1826 để bảo vệ ngọn đèo chiến lược này và bia di tích chiến thắng Đồn Nhất vẫn còn đến ngày nay. Năm 2013, đỉnh đèo Hải Vân được UBND thành phố Đà Nẵng công nhận là điểm du lịch địa phương, nhờ vậy, đèo Hải Vân cũng được đầu tư phát triển thành cung đường du lịch. Những năm gần đây, khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đến tham quan đèo Hải Vân khá đông; đây có thể là điểm nhấn lý thú đối với du khách quốc tế ngoài “Con đường di sản miền Trung”.
Theo Hồng Tư/Du lịch Việt Nam