Trang chủ Thể thao - Du lịch Du lịch Ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân lực đào tạo chính quy

Ngành Du lịch thiếu trầm trọng nhân lực đào tạo chính quy

Ngày đăng:
69

Mỗi năm toàn ngành Du lịch cần thêm 40.000 lao động, nhưng sinh viên ra trường chỉ đạt khoảng 15.000 người, hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Ngày 2/8, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) và Trường Đại học Văn Hiến phối hợp tổ chức.

Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch), mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng sinh viên ra trường chỉ đạt khoảng 15.000 người, hơn 12% trong số này có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Đáng nói hơn, dù được đào tạo chính quy tại các trường đại học và cao đẳng, nhưng khi được tuyển dụng làm việc, hầu hết doanh nghiệp du lịch đều phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, dự báo đến năm 2020, cả nước cần khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp làm việc trong các cơ sở dịch vụ du lịch, đó là chưa kể đến số lượng lớn lao động cung cấp cho loại hình du lịch tàu biển.

Trước thực trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trong ngành du lịch, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch bản địa. Lý giải về quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển bản địa là rất cần thiết do họ am hiểu rõ về nơi mình sinh sống, hiểu rõ những nét văn hóa truyền thống mà quê hương của họ để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Thêm vào đó, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch bản địa nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trưởng, trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, đem lại một nguồn lợi lớn cho địa phương. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những yếu điểm lớn còn tồn đọng là trình độ ngoại ngữ kém, chưa đáp ứng được dòng khách quốc tế.

Tại hội thảo, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cho biết, cả nước hiện có hơn 190 cơ sở đào tạo về du lịch, ngành nghề đào tạo khá phong phú với khoảng 36 ngành, quy mô đào tạo tăng mạnh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 thì vẫn còn nhiều vấn đề cần được tháo gỡ.

Thông qua hội thảo quốc tế, thứ trưởng mong muốn sẽ đưa ra được những phân tích và đề xuất cụ thể trong các vấn đề trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã có những chỉ đạo sát sao, Bộ cũng sẽ đặc biệt quan tâm và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hệ thống mã ngành đào tạo du lịch, hệ thống chuẩn đầu ra, kỹ năng nghề quốc gia cũng đang được xây dựng hoàn thiện để áp dụng cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Hoài Thương