Trang chủ Bảng tin kinh tế Nới ‘room’ tín dụng: Có thỏa được ‘cơn khát’ về vay vốn?

Nới ‘room’ tín dụng: Có thỏa được ‘cơn khát’ về vay vốn?

Ngày đăng:
11

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với một số ngân hàng thương mại. Đây là lần đầu tiên NHNN đồng loạt nới hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho một số tổ chức tín dụng trong năm nay.

Người dân đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương
Người dân đến giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Lam Phương

* Giải ngân theo hướng chọn lọc

Theo Thông cáo báo chí mới đây của NHNN về kết quả điều hành tín dụng và định hướng những tháng cuối năm 2022, NHNN đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở: kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như: tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân, tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Một số ngân hàng được nới room tín dụng với mức điều chỉnh cấp thêm từ 1-4% so với mức trần cũ tùy theo từng ngân hàng. Trong đó, Vietcombank tăng 2,7%, Agribank tăng 3,5%, Sacombank tăng 4%, Techcombank tăng 2,7%…

Theo nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, dù NHNN đã cho phép tăng hạn mức tín dụng nhưng các chi nhánh ngân hàng sẽ phải chờ hội sở chính của ngân hàng mình phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng đến các chi nhánh ra sao để có phương án cho vay, giải ngân phù hợp.

Lãnh đạo một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa cho biết, thông thường như các năm trước, hoạt động tín dụng thường tăng trưởng mạnh vào quý III và quý IV hằng năm. Tuy nhiên, đối với năm nay, sau những tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu vay vốn đã tăng cao ngay từ đầu năm. Điều này tác động đến hạn mức tăng trưởng tín dụng của chi nhánh trong năm nay. Hiện chi nhánh đang chờ thông báo từ hội sở chính về việc điều chỉnh, phân bố thêm hạn mức tín dụng trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng sẽ giải ngân theo hướng chọn lọc, tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cũng như tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vào những lĩnh vực rủi ro…

Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo chia sẻ, trong những tháng cuối năm, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai tích cực, hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn; cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan…

* Chưa thỏa “cơn khát” về vốn vay

Việc NHNN quyết định nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng là tin vui để các ngân hàng có thêm nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, cũng như góp phần giải tỏa bớt sức ép cho cả DN và người dân trong việc khơi thông dòng vốn, phục vụ nhu cầu vốn cho tiêu dùng, sản xuất – kinh doanh…

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu vay vốn của cá nhân, DN đang rất cao, nhất là vào thời điểm cuối năm thì nhiều người vẫn băn khoăn rằng liệu hạn mức tín dụng được nới thêm này có đáp ứng được “cơn khát” vốn của DN hay không?

Trưởng phòng cho vay khách hàng cá nhân của một chi nhánh ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa cho biết, hội sở chính của chi nhánh nằm trong danh sách các tổ chức tín dụng được NHNN tăng hạn mức tín dụng. Hiện chi nhánh vẫn đang chờ động thái phân bổ từ phía hội sở chính. Hiện nay, chi nhánh vẫn đang tập trung giải quyết cho các hợp đồng đã ký nhưng chưa được giải ngân. Chi nhánh vẫn đang cố gắng cân đối nguồn vốn để giải ngân cho vay trong khả năng có thể.

Nhiều người dân, DN đang rất nóng lòng được vay vốn, nhiều hồ sơ vay vốn “xếp hàng” tại các ngân hàng từ lâu nhưng chưa được giải ngân vì nhiều ngân hàng đã cạn “room” tín dụng. Anh Minh Tiến (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) bày tỏ, gia đình anh đang cần vay khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư kinh doanh. Hơn 1 tháng nay, anh đã đến nhiều ngân hàng để làm thủ tục vay vốn. Một số ngân hàng cho biết đang tập trung giải quyết những hồ sơ cũ; một số ngân hàng thì nhận làm hồ sơ vay vốn nhưng thông báo với người vay như anh là sẽ phải chờ khi nào được cấp thêm “room” tín dụng mới có thể xem xét giải ngân được.

Ông D.H., chủ một DN vận tải ở TP.Biên Hòa cho biết hiện nay đang bước vào cao điểm cuối năm, hoạt động kinh doanh khá nhộn nhịp, nhu cầu về vốn lưu động tăng cao. Tuy nhiên, để tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng vào thời điểm hiện nay là không dễ, nguồn vốn được vay khá “nhỏ giọt” vì nhiều ngân hàng đang gặp khó về “room” tín dụng.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, do việc hạn chế về hạn mức tín dụng nên một số ngân hàng vẫn còn hạn chế việc giải ngân các khoản vay mới. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thẩm định, giải ngân đối với các gói, chương trình vay vốn hỗ trợ, ưu đãi, trong đó có chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại…

Tổng dư nợ cho vay tăng cao

Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 8-2022, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 325 ngàn tỷ đồng, tăng gần 16,2% so với đầu năm nay. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 187 ngàn tỷ đồng, tăng gần 22,2% so với thời điểm đầu năm nay. Dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 138 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 8,9% so với đầu năm 2022…

Theo Lam Phương/Báo Đồng nai

http://baodongnai.com.vn/kinhte/202209/noi-room-tin-dung-co-thoa-duoc-con-khat-ve-vay-von-3135142/