- Đằng sau hoá đơn 34.000 tỷ đồng trong 7 ngày của doanh nghiệp yến sào ở TP.HCM
- Bầu Đức mất quyền phủ quyết; Dũng ‘lò vôi’ lỗ nặng
- Hơn 200 thương hiệu thuộc 20 nước tham gia VIETBEAUTY 2017
- Loạt ngân hàng có nợ xấu tăng cao, vượt mức 3%
- Tập đoàn Hà Đô chi nhánh miền Nam bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế
Theo quan điểm của ông Hoàng Nam Tiến, gen Z nên “xây” một nền tảng tài chính vững chắc trước khi “trang hoàng” nó bằng đam mê.
Tập 1 của chương trình “Whose Chance? – Cơ hội cho ai?” mùa 4 đã chứng kiến cuộc đụng độ đầy kịch tính giữa Nguyễn Trần Thiên Phú, cử nhân ngành quản trị kinh doanh của trường Đại học Duy Tân, từng công tác tại xưởng phim với công việc biên kịch và Hoàng Thị Giang Na, theo học tại trường Đại học Luật Hà Nội, từng đạt vị trí Á quân cuộc thi Phiên tòa giả định năm 2022 và giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc năm 2019.
Một trong những câu hỏi thu hút sự chú ý nhất đặt ra cho 2 thí sinh trong vòng đối mặt của tập này là: “Tăng lương có phải là cách tốt nhất để giữ chân nhân viên?”.
Câu hỏi này đã khơi gợi một cuộc tranh luận sôi nổi. Bởi lẽ, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động hiện nay, lương thưởng và phúc lợi không chỉ là yếu tố thu hút mà còn là “chiếc chìa khóa” để giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, như báo cáo của Navigos Group đã chỉ ra, kỳ vọng về lương thưởng của người lao động luôn tăng cao, đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp trong việc cân đối giữa nhu cầu của nhân viên và khả năng tài chính của công ty.
Theo chia sẻ của Thiên Phú, việc tăng lương không phải là điều kiện chính để cho các sếp quyết định giữ chân nhân viên. “Tăng lương chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ”, anh Phú cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tăng lương là điều tất yếu sau khi một nhân viên đã dành thời gian cống hiến cho doanh nghiệp, được thể hiện qua tháp nhu cầu Mashlow.
“Khi chúng ta đã được thỏa mãn về ăn, mặc thì lúc đó chúng ta sẽ có xu hướng mong muốn được thỏa mãn về tôn trọng, thể hiện bản thân. Việc được tăng lương cũng chính là lúc mà những người sếp nhận thấy giá trị của nhân viên. Ngoài việc tăng lương, công ty cũng nên giúp cho nhân viên có thể cảm thấy đây là ngôi nhà thứ hai. Khi đó, nhân viên mới có thể yên tâm cống hiến một cách lâu dài”, anh Phú nói thêm.
Trái ngược với quan điểm của anh Phú, chị Giang Na nhấn mạnh rằng tăng lương là một trong những điều kiện cần thiết và điều kiện chính để giữ chân nhân viên. “Khi đi làm, chúng ta cần phải được đáp ứng nhu cầu về tài chính để chi tiêu cho các hoạt động thường ngày. Điều kiện đầu tiên khi lựa chọn một công ty là mức lương có phù hợp với những thứ mà chúng ta sẽ cống hiến tại công ty đó hay không”, Giang Na cho biết.
Sau khi lắng nghe những ý kiến trái chiều từ hai thí sinh, sếp Hoàng Nam Tiến (thời điểm đó là Chủ tịch FPT Telecom) đã đưa ra những câu hỏi để thử thách khả năng tư duy và phân tích của hai thí sinh xung quanh vấn đề nhạy cảm về tiền lương.
Ông Tiến đặt câu hỏi cho anh Phú: “Nếu mức lương hiện tại của em là 12 triệu đồng/tháng và có một doanh nghiệp khác muốn trả em 24 triệu đồng/tháng, liệu em có chuyển công ty không?”
Anh Phú đáp lại rằng điều đầu tiên cần quan tâm là công việc mới có phải là công việc mà bản thân yêu thích hay không. “Lương có thể cao, nhưng mức lương cao đồng nghĩa với áp lực lớn. Trong hoàn cảnh đó, liệu em có thể trụ được bao lâu?” anh Phú nhấn mạnh.
Với chị Giang Na, ông Tiến đặt ra một câu hỏi ngược lại: “Nếu mức lương hiện tại của em là 14 triệu đồng/tháng, nhưng có một công ty mà em rất yêu thích, chẳng hạn như công ty của sếp Lưu Nga, muốn mời em về làm nhưng chỉ trả mức lương 12 triệu đồng/tháng, liệu em có chuyển việc?”
Chị Giang Na chia sẻ rằng mình là người dân tộc Nùng, quê chị thuộc vùng khó khăn, do đó nếu có cơ hội vượt qua giới hạn của bản thân, chị chắc chắn sẽ nắm bắt. “Tuy mức lương mới ra trường chưa cao, nhưng nếu đó là công việc phù hợp và em cảm thấy yêu thích, cùng với mức lương đủ chi trả cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chắc chắn em sẽ lựa chọn,” chị Na cho biết.
Sau câu trả lời của hai thí sinh, ông Hoàng Nam Tiến thẳng thắn đưa ra lời khuyên “Tôi khuyên hai bạn nhé, mới ra trường, còn trẻ thì hãy cố gắng làm những gì ra tiền, thật nhiều tiền, rồi mới làm việc mình thích. Nếu bây giờ làm việc mình thích trước, về cơ bản thì không ra tiền đâu”.
Kết thúc tập 1 mùa 4 chương trình “Cơ hội cho ai?”, cô gái Nùng Hoàng Thị Giang Na đã quyết định gia nhập đội ngũ của sếp Hoàng Nam Tiến với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng.
Ông Hoàng Nam Tiến sinh năm 1969 tại Hà Nội, từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch FPT Software, FPT Telecom và Tập đoàn FPT. Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, phụ trách hoạt động đào tạo sau đại học.
Ông nổi tiếng với những câu nói và lời khuyên sâu sắc, đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ với thế hệ gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012). Nhiều câu nói của ông Tiến đã trở thành “hot trend” trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Theo Thị trường tài chính