Trang chủ Pháp luật Sinh viên đi cùng ‘bác sĩ Khiêm’: Ngay từ đầu bạn ấy...

Sinh viên đi cùng ‘bác sĩ Khiêm’: Ngay từ đầu bạn ấy đã xưng là bác sĩ

Ngày đăng:
9
Báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ được với một trong bảy sinh viên Trường ĐH Y Dược tham gia tình nguyện chống dịch tại Trường CĐ Điện Lực TP.HCM cùng nhóm với bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm.

Theo sinh viên này, vị bác sĩ dỏm đã diễn một cách cực kỳ khéo léo, ngay từ đầu tới khu cách ly đã xưng là bác sĩ và dường như đã có tính toán từ trước.

Một bước thành bác sĩ chính, quản lý khu cách ly

Theo bạn sinh viên, thời điểm tháng 7-2021, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, nhiều sinh viên trong đó có bạn đã xin đi tình nguyện chống dịch. Trong danh sách được Trường ĐH Y Dược TP.HCM cử đi có Nguyễn Quốc Khiêm.

Hình ảnh của Khiêm trên trang mạng cá nhân (bên trái) và hình ảnh được đăng tải trên một trang báo. Ảnh chụp màn hình

Các sinh viên trong đoàn bao gồm cả Khiêm được phân công nhiệm vụ ban đầu là lấy mẫu, phục vụ người dân.

Do không quen nên không ai rõ Khiêm là sinh viên hay bác sĩ.

Sinh viên này cho biết, Khiêm mới vào đã có vấn đề. “Anh Khiêm gặp và giới thiệu là bác sĩ nội trú, thạc sĩ” – người này nói và cho biết, do Khiêm lớn tuổi nên được bầu làm trưởng nhóm điều phối sinh viên lấy mẫu.

Giấy khen giả do Khiêm tự làm. Ảnh: PV

Qua trò chuyện với các sinh viên khác, Khiêm giới thiệu từng đi tình nguyện nhiều chỗ, tỏ ra là bậc đàn anh trong vai thạc sĩ, bác sĩ. Trong khi đó, quản lý khu cách ly thời điểm đó cũng tin tưởng Khiêm và để người này làm nhóm trưởng.

Thời điểm này, khuôn viên Trường CĐ Điện Lực chỉ là điểm cách ly F1.

Bạn sinh viên nhớ lại: “Một số F1 bị đau bụng hoặc các bệnh thông thường đến kê thuốc thì cũng được anh Khiêm cho thuốc. Qua kiến thức được học, tôi thấy cũng đúng nên không hề nghi ngờ”.

Thẻ sinh viên giả Khiêm dùng để đăng ký đi tình nguyện. Ảnh: PV

Sau đó ít ngày, nơi này được chuyển sang điều trị các ca F0 nặng và nhẹ. “Thời điểm này, chị quản lý ở đó chuyển đi, anh Khiêm với ‘uy tín’ đã tạo sẵn nên mặc nhiên trở thành bác sĩ quản lý y tế chính ở đó” – người sinh viên này nói.

“Tôi nhớ rõ ràng mọi quyết định ở bên dưới đều do anh Khiêm quyết. Anh này giữ liên lạc với cả cấp trên. Ví dụ như chuyển máy thở, oxy, cấp phát thuốc từ bên trên xuống đều liên lạc qua anh Khiêm. Khu cách ly thiếu gì thì anh Khiêm liên lạc và quyết định tất cả. Anh ấy ký đóng dấu hết các giấy tờ mặc dù không rõ có được ủy quyền hay không” – người này nói thêm và cho biết không ai nghĩ anh ta lừa vì mọi thứ diễn ra rất tự nhiên.

Tạo niềm tin, quyền lực mềm một cách tinh vi

Theo bạn sinh viên, trong quá trình làm việc, Khiêm thi thoảng nói về việc được Bệnh viện Chợ Rẫy gọi về làm việc để tạo ra một vai trò quan trọng trong công việc.

Giấy chuyển tuyến điều trị do Khiêm ký. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, theo phản ánh, Khiêm cũng biết về kỹ thuật khi thành thạo lắp ráp, vận hành máy thở, đặt nội khí quản, lấy ven và cho thuốc.

Sinh viên này cũng cho biết, thời điểm đầu tới khu cách ly, Khiêm đã lấy danh nghĩa khu cách ly, bằng các mối quan hệ của mình để xin rau củ quả từ Đà Lạt với số lượng hàng tấn để cấp phát cho người dân.

Trong danh sách sinh viên Trường ĐH Y Dược cử đi có Khiêm. Ảnh: PV

“Từ những việc này, mọi người không ngờ anh Khiêm lại giả mạo vì thấy là người có tấm lòng vì người bình thường ai có thể xin được hàng tấn rau trong thời điểm dịch. Khi nghĩ lại thì tôi cho rằng đây là một cách tạo niềm tin của anh ấy” – người sinh viên nói.

Uy tín càng tăng khi thời điểm này có một đoàn thanh tra của Bộ Y tế xuống thì Khiêm ra trực tiếp trò chuyện với trưởng đoàn, giới thiệu mình là thạc sĩ, bác sĩ nội trú.

Sau đó, Khiêm cũng được đăng lên báo chính thống với những thành tích rất nổi bật. Được thông tin là bác sĩ chính điều trị tại khu cách ly.

Đến cuối tháng 9-2021, Trường ĐH Y Dược phát hiện sự việc nên đã nhắn tin yêu cầu Khiêm dừng ngay việc làm trên. Các bác sĩ và tình nguyện viên cũng đã báo sự việc với TTYT quận 12 và được báo lại sẽ xử lý sớm.

Phản ánh về việc quát mắng, chửi bới các bác sĩ khác

Trong thời gian người phụ trách khu cách ly chuyển đi, Khiêm trở thành bác sĩ nội trú, thạc sĩ (theo cách người này giới thiệu) với vai trò như bác sĩ chính tại khu cách ly.

Người này nắm vai trò chính trong việc liên hệ với cấp trên, chuyển viện, tham mưu, điều động.

Theo một nguồn tin, sau đó có thêm một số bác sĩ khác đến tăng cường. Tuy nhiên, họ cũng liên lạc với bên trên thông qua Khiêm.

Về quá trình tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, nguồn tin mô tả: Khi tiếp nhận bệnh nhân thì các sinh viên tình nguyện sẽ vào đặt máy kiểm tra SPO2, nếu ai nặng thì báo ra cho BS T. hoặc Khiêm vào khám. “Nhưng Khiêm ít khám. Từ lúc bệnh nặng lên toàn BS T. khám. Khi BS T. khám xong thì báo lại cho anh Khiêm vì xin chuyển viện được hay không là ở anh Khiêm”- người này nói.

Riêng đối với Khiêm, lúc bệnh còn nhẹ thì còn cho thuốc, lúc chuyển nặng anh này lờ đi, ít vào phòng bệnh, để BS T. khám rồi ra dò ý kiến để nương theo đó ra quyết định.

Theo nguồn tin, trong quá trình làm việc, Khiêm có thái độ quát mắng, chửi bới các bác sĩ khác vì tự coi mình là người quản lý, thậm chí, còn xúc phạm nghề nghiệp. “Một bác sĩ học cao hiểu rộng không bao giờ chửi đồng nghiệp rằng không có y đức như vậy. Trong khi đó, theo kiến thức tôi đã học, chính anh Khiêm có nhiều xử lý chuyên môn sai” – người này nói.

Theo Po

https://baomoi.com/sinh-vien-di-cung-bac-si-khiem-ngay-tu-dau-ban-ay-da-xung-la-bac-si/r/41840561.epi