- Đất Xanh đơn phương chấm dứt hợp đồng, người mua nhà lo bị thiệt thòi
- Phát Đạt bị người mua nhà The EverRich 3 tố lừa dối, không mua lại theo cam kết
- Chủ siêu dự án Kenton ở Phước Kiển bị xiết nợ: Khoản vay 2.800 tỉ bị lãi chồng ‘chóng mặt’
- Bình Phước: Cận cảnh siêu dự án dính “lùm xùm” của Tập đoàn Ngân Tín
- Tp.HCM cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp
Quỹ đất công khổng lồ được giao cho các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng, chỉ bằng vài thủ thuật chuyển đổi đã biến thành đất tư nhân. Nhiều vụ việc được phát hiện, lộ rõ những khoản thất thoát cực kỳ nghiêm trọng cho nguồn lực quốc gia. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã ngăn chặn không ít các khu đất công trình biến thành đất tư. Vấn đề đặt ra, làm sao để quỹ đất công khổng lồ trở thành nguồn lực của quốc gia, không rơi vào tay của các doanh nghiệp.
Một quỹ đất công khổng lồ đã “đội nón ra đi” theo con đường đổi đất lấy hạ tầng. Quỹ đất dùng để thanh toán cho các nhà đầu tư không được đưa ra đấu giá như quy định, các dự án BT (xây dựng chuyển giao) không được đấu thầu để tìm nhà đầu tư tốt nhất. Dự án BT đổi 14,8ha “đất vàng” để lấy 2 đoạn đường dài 3,3km là một trong những dự án BT thuộc vào diện bất thường nhất, cuối cùng chính quyền TP Hồ Chí Minh đã phải có những điều chỉnh trong việc sử dụng quỹ đất công để thanh toán cho nhà đầu tư.
Hai tuyến đường song hành trị giá bằng 14,8ha đất sạch. |
Điều chỉnh việc dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT
Ngày 12/2/2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo một số việc liên quan đến dự án đổi 14,8ha đất sạch có vị trí đắc địa ở quận 2 để lấy hơn 3,3km đường song hành ven tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (dự án trị giá 869 tỷ đồng). Đây là một dự án BT thuộc vào dạng bất thường nhất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (chuyên trang Tiêu dùng (tieudung.vn) báo Kinh tế & Đô thị đã có phản ánh trong loạt bài “Phía sau những dự án BT tại TP Hồ Chí Minh”, đăng ngày từ 17/2/2019 đến ngày 21/2/2019).
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho TP thu hồi các khu đất đã đem thanh toán cho hợp đồng BT dự án kể trên. Đồng thời tham mưu, đề xuất các khu đất khác phù hợp để thanh toán cho nhà thầu cũng như dự thảo văn bản của UBND TP để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về quỹ đất dùng thanh toán hợp đồng BT với dự án này.
Dự án BT đổi 14,8ha đất sạch trên địa bàn quận 2 để lấy 3,3km đường là một trong những dự án thuộc vào diện bất thường và tai tiếng nhất trên địa bàn TP.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 8/9/2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư đường song hành nối từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2 tại nút giao An Phú. Tuyến đường này chạy dọc theo cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây theo hình thức đối tác công – tư, hợp đồng BT.
Về quy mô, dự án này chỉ gồm 2 đoạn đường chạy phía bên phải tuyến cao tốc và 3 cây cầu. Trong đó, đoạn đầu có chiều dài 2,7km, nối từ đường Mai Chí Thọ ở quận 2 đến đường Đỗ Xuân Hợp ở quận 9; đoạn còn lại có chiều dài 617m, nối từ đường vành đai 2 với đường D11. Tuyến song hành được thiết kế rộng 20m với 4 làn xe; trên tuyến, nhà đầu tư xây dựng 3 cây cầu gồm cầu Bà Dạt, cầu Bà Hiện, cầu mương kênh cũng như xây dựng, cải tạo nút giao An Phú và lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật đồng bộ.
Tiếp đó, ngày 10/10/2016, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, phương án lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng tuyến đường song hành này. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư hơn 869 tỷ đồng; hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 2 năm, từ năm 2016 đến 2018.
Ngày 28/4/2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng với liên danh công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty CP Bất động sản Tiến Phước để thực hiện dự án. Chỉ sau khi ký hợp đồng đúng một ngày, vào ngày 29/4/2017 dự án đã được liên danh trên cho khởi công.
Một số vấn đề được đặt ra đối với dự án BT có tốc độ triển khai nhanh bất thường này. Thứ nhất, vì sao Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc được lựa chọn trở thành nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt với dự án này?
Thứ hai, TP Hồ Chí Minh ra quyết định chọn Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc để thực hiện dự án BT nhưng khi ký hợp đồng lại ký với với liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc và Công ty CP BĐS Tiến Phước.
Quá hời cho nhà đầu tư
Ngày 13/10/2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định giao đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy quỹ đất dùng để thanh toán cho dự án BT có một hành trình lòng vòng. Theo thỏa thuận ngày 20/6/2017 giữa UBND TP Hồ Chí Minh với liên danh nhà đầu tư dự án và Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương về thỏa thuận tiếp nhận đất do TP thanh toán cho hợp đồng BT kể trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho Công ty TNHH BĐS Nguyên Phương được sử dụng 2 khu đất có diện tích lên đến hơn 14,8ha tại phường An Phú, quận 2.
Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do UBND quận 2 phê duyệt vào tháng 7/2017, khu đất thứ nhất có diện tích hơn 4,5ha, trong đó diện tích đất ở hơn 2,63ha, còn lại là đất dành làm công trình hạ tầng công cộng kèm theo. Khu đất thứ 2 có diện tích hơn 10ha, trong đó đất ở đạt hơn 5ha cộng với phần đất thương mại, dịch vụ, văn phòng khách sạn rộng hơn 1,2ha, phần còn lại là đất dành làm hạ tầng công cộng.
Đường song hành cao tốc Long Thành |
Để biết việc TP Hồ Chí Minh dùng 14,8ha đất sạch có vị trí quá đẹp tại quận 2 để đối lấy công trình trên đắt hay rẻ thì chỉ cần tính theo mức giá đất cao nhất theo bảng giá đất TP áp dụng cho địa bàn phường An Phú thời điểm đó là 9,2 triệu đồng/m2.
Hơn thế, khi phần diện tích đất ở chiếm một nửa, người mua nền được sử dụng ổn định lâu dài có giá đất ở thực tế giao dịch tại quận 2 những năm gần đây đã ở mức trên 100 triệu đồng/m2, tổng giá trị TP trả cho công trình trên còn cao hơn rất nhiều so với giá trị của Hợp đồng BT này.
Rất may mắn cho ngân sách Nhà nước, sau khi hàng loạt cơ quan báo chí vào cuộc… và TP Hồ Chí Minh đã có những chỉ đạo điều chỉnh kịp thời, giữ lại quỹ đất vàng này. Ngày 12/2/2020, UBND TP Hồ Chí Minh có công văn số 117/UBND-NCPC về việc tạm dừng thực hiện thanh toán hợp đồng BT này. Ngày 28/2/2020, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản số 108/TB-VP truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong về hướng xử lý đối với dự án BT kể trên.
“UBND TP đã ban hành Công văn số 117/UBNDNCPC ngày 12/2/2020 về tạm dừng thực hiện việc thanh toán hợp đồng BT dự án. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP thu hồi các khu đất đã được giao thanh toán cho hợp đồng BT dự án; đồng thời, làm việc, thông tin để nhà đầu tư hiểu và chia sẻ với TP; tham mưu, đề xuất các khu đất khác phù hợp để thanh toán cho hợp đồng BT dự án; đồng thời, dự thảo văn bản của UBND TP Hồ Chí Minh xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 69/2014/NĐ-CP ngày 15/8/2019 của Chính phủ”, trích công văn (còn nữa).