- Lý do TCM đóng cửa xưởng may công suất 5 triệu sản phẩm ở Tây Ninh
- Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng, có ngân hàng 1 tháng tăng 2-3 lần
- Thế hệ Gen Y an toàn về tài chính và tự tin nhất trong việc đạt các mục tiêu dài hạn
- Đấu thầu vàng miếng vào ngày mai, giá tham chiếu giảm còn 80,7 triệu đồng/lượng
- Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng
Không chỉ khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn, chiến tranh thương mại còn dẫn đến hệ lụy bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và lạm phát.
Không phải ngẫu nhiên lãi suất USD dài hạn của Mỹ lại tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua và lại tăng đúng lúc các nhà đầu tư ngộ ra rằng chính sách thuế quan của Mỹ đối với hàng Trung Quốc có thể kéo dài trong nhiều năm nữa. Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực tăng giá.
Trung Quốc bị cáo buộc cố tình phá giá Nhân dân tệ để hàng Trung Quốc xuất khẩu đi các nước trở nên rẻ hơn (Ảnh: AP) |
Ban đầu, các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump áp hoặc đe dọa áp thuế quan chỉ là biện pháp khiến Trung Quốc phải mở cửa thị trường và cam kết mua hàng hóa Mỹ nhằm cứu vãn thâm hụt thương mại 527 tỷ USD của Mỹ với Trung Quốc.
Nhưng đến nay thì mọi chuyện đã rõ ràng hơn khi bàn cờ của Mỹ đặt ra không đơn thuần là giải quyết thâm hụt thương mại.
Tổ công tác thương mại của Tổng thống Trump do Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phụ trách đang gây sức ép yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động mà Mỹ cho là bất bình đẳng trong thương mại.
Washington cáo buộc Bắc Kinh đã ép buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ tiên tiến cho các đối tác Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh vẫn bơm tiền trợ cấp các doanh nghiệp của Chính phủ nước này và giúp họ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Do đó, Mỹ đang thúc ép Trung Quốc thực hiện những thay đổi căn bản đối với nền kinh tế như giảm sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn và ngừng yêu cầu doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Trung Quốc phản ứng gay gắt
Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước các yêu cầu của Washington.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng phản đối, cáo buộc ông Trump “liên tục châm ngòi” xung đột thương mại và soi mói các vấn đề nội bộ và đối ngoại của Trung Quốc “một cách vô cớ”.
Do đó, hy vọng về một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng tới tại Argentina để giải quyết những căng thẳng thương mại càng trở nên mong manh.
Thực chất, Washington vốn rất thất vọng khi Bắc Kinh từ chối thương thảo để giải quyết các vấn đề bất bình đẳng trong thương mại song phương. Thậm chí Washington đã đe dọa hủy bỏ các cuộc đàm phán thương mại giữa lãnh đạo hai nước nếu Bắc Kinh không nhượng bộ.
Bán tháo trái phiếu
Các nhà đầu tư trái phiếu – những người luôn theo sát biến động tăng giá, lạm phát – đã rất lo ngại khi viễn cảnh giải quyết các xung đột thương mại một cách dễ dàng và nhanh chóng không còn khả thi.
Đã xuất hiện nhiều nhà đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến cho lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,2% – mức cao nhất kể từ tháng 5/2011 (lợi suất tăng khi giá trái phiếu giảm).
Không những thế, giờ đây lo ngại của nhà đầu tư về lạm phát tại Mỹ càng tăng lên khi Mỹ đã áp thuế quan đối với tổng cộng 250 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm TV, máy giặt, hàng điện tử và tấm pin mặt trời…
Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Trump tuyên bố sẵn sàng áp thêm thuế quan đối với 250 tỷ USD giá trị còn lại trong kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ.
Rõ ràng thuế quan tăng lên sẽ dẫn đến giá cả hàng hóa tăng theo và đối tượng chịu hậu quả tăng giá chính là người tiêu dùng Mỹ và những doanh nghiệp Mỹ vốn dựa vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Câu chuyện về thép là minh chứng rõ nhất cho hệ lụy tăng giá do thuế quan. Giá thép tại Mỹ đã tăng hơn 40% kể từ khi chính quyền Mỹ đánh thuế nhập khẩu 25% lên mặt hàng thép vào tháng 3 năm nay.
Tuy nhiên, giá cả chỉ mới chỉ là tác động trước mắt. Mục tiêu trung hạn của Mỹ là khiến các doanh nghiệp của Mỹ và các nước khác dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc để né các đòn thuế quan nhằm vào Bắc Kinh.
Trung Quốc chống đỡ
Các nhà đầu tư trái phiếu lo ngại rằng khi ngày nhiều công ty đa quốc gia dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc (sản xuất tại Trung Quốc có chi phí rẻ, sức cạnh tranh cao), sẽ gây sức ép lên giá cả hầu hết các mặt hàng, gia tăng áp lực lạm phát lên kinh tế toàn cầu.
Tất nhiên, Bắc Kinh có thể chống đỡ lại các đòn thuế quan của Mỹ bằng cách hạ giá đồng Nhân dân tệ. Thực tế cho thấy, Nhân dân tệ đã mất giá 10,9% so với USD kể từ cuối tháng 3 năm nay, khiến Nhân dân tệ bị liệt vào danh sách những đồng tiền mất giá nhất châu Á. Hiện Nhân dân tệ đang được giao dịch ở mức 6,92 Nhân dân tệ đổi được 1 USD.
Nhân dân tệ trượt giá đã dẫn tới nhiều suy đoán cho rằng Trung Quốc đã cố tình phá giá Nhân dân tệ để hàng Trung Quốc xuất khẩu đi các nước trở nên rẻ hơn.
Tuy nhiên, Washington rõ ràng không hài lòng với sự lao dốc của Nhân dân tệ. Trả lời phỏng vấn Financial Times mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã cảnh báo Trung Quốc về việc cố tình hạ giá Nhân dân tệ để tạo lợi thế cho hàng hóa nước này./.
Theo Australian Financial Review