Trang chủ Giáo dục - Sức khoẻ Sức khoẻ Bệnh viện K: Cứu sống bệnh nhân nam mang khối u gan...

Bệnh viện K: Cứu sống bệnh nhân nam mang khối u gan nặng 2,5kg đường kính 30cm

Ngày đăng:
39

BVK – Ngày 04/01, các y bác sĩ Khoa Ngoại Gan mật tụy, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Bùi Tiến D. (45 tuổi, Thái Nguyên) bóc tách khối u gan trái nặng khoảng 2,5kg, đường kính gần 30 x 20cm nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân điều trị thuốc nhắm trúng đích khi phát hiện khối u gan khủng

Khai thác nhanh bệnh sử, người nhà cho biết bệnh nhân đã phẫu thuật kết hợp xương đòn trái và tháo dụng cụ kết hợp xương đòn cách đây 1 năm. Cuối tháng 10/2017, bệnh nhân đi kiểm tra sức khỏe phát hiện u gan và được chẩn đoán HCC gan trái và phân thùy trước gan phải tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội sau đó được điều trị nút mạch hóa chất (TACE). Đầu tháng 11 bệnh nhân được ra viện và hẹn tái khám.

Bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh

Trung tuần tháng 12, bệnh nhân tái khám Bệnh viện Ung bướu Hà Nội trong tình trạng đau bụng hạ sườn phải kéo dài, kèm theo tức ngực, khó thở; sau quá trình chụp chiếu có hình ảnh u gan trái đa ổ, tính chất HCC, khối u lớn nhất kích thước 92 x 120mm, không có huyết khối tĩnh mạch cửa. Bệnh nhân được giải thích cho ra viện về nhà điều trị thuốc nhắm trúng đích, không có khả năng cắt bỏ khối u gan.

Bác sĩ Bệnh viện K chấp nhận phẫu thuật cứu sống bệnh nhân

Bệnh nhân nhập viện vào ngày 27/12 trong tình trạng đau tức vùng bụng, chụp cắt lớp ổ bụng có tiêm thuốc cản quang, bác sĩ xác định có u gan đa ổ (hàng chục khối) ở gan trái và một phần phân thùy trước gan phải, kích thước khối lớn nhất khoảng 11cm, tính chất HCC, xơ gan, thể tích gan phải là 781 cm3.

Hình chụp khối u gan

Nhận thấy khối u với kích thước quá lớn và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, vì vậy các bác sĩ Khoa Ngoại Gan mật tụy Bệnh viện K chỉ định phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn khối u cho bệnh nhân trên cơ sở đủ thể tích gan còn lại, cuộc mổ được lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ các phương án, biến cố nặng và dự trù đủ lượng máu mất đi.

Ca phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ bóc tách thành công khối u nặng 2,5 kg

Kíp mổ gồm có TS. BS. Phạm Thế Anh Trưởng Khoa Ngoại Gan mật tụy, Bệnh viện K cùng các y bác sĩ giàu kinh nghiệm BS Nguyễn Trường Giang, BS Phạm Bá Đức, BS Trần Đức Thọ, BS Trịnh Thị Yến tiến hành phẫu thuật. Đúng như chẩn đoán khối u chiếm gần toàn bộ tầng trên mạc treo đại tràng ngang, chiếm toàn bộ gan trái và một phần phân thùy trước gan phải, kèm theo có 2 nhân nhỏ đường kính 0.5cm ở phân thùy sau gan phải. Một trong những khó khăn cho cuộc mổ là di động gan rất khó khăn, nguy cơ vỡ u gây chảy máu và phát tán tế bào ung thư trong ổ bụng. Sau khi tiến hành siêu âm, đánh giá lại các tổn thương trong mổ (loại trừ các nhân ung thư bên phần gan sẽ giữ lại, kiểm tra hệ thống tĩnh mạch cửa, các tĩnh mạch gan,…) kíp mổ đã quyết định cắt gan trái và một phần phân thùy trước theo phương pháp Tôn Thất Tùng cùng với đó tiến hành lấy 2 nhân phân thùy sau gan phải.

Sau cuộc phẫu thuật kéo dài gần 4 giờ, khối u được cắt bỏ  hoàn toàn với trọng lượng nặng khoảng 2,5 kg.

Ca phẫu thuật diễn ra hết sức thành công, hiện tại bệnh nhân ổn định, đi lại và hoạt động bình thường.

Lời khuyên của bác sĩ:

Bệnh viện K khuyến cáo, mọi người cần đi khám sức khỏe định kì 6 tháng/lần tại cơ sở chuyên khoa uy tín, đặc biệt là những cá nhân mắc Viêm gan B, viêm gan C hay có người nhà từng mắc ung thư gan. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh Viêm gan B là phương pháp hiệu quả nhất để dự phòng ung thư gan, giúp bảo vệ được trên 90% trẻ em và người lớn.

Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn là một trong những chất ảnh hưởng đến gan nhiều nhất;

Ung thư gan hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm với những phương pháp như: phẫu thuật, ghép gan, đốt nhiệt,.. Do vậy khi phát hiện bệnh, cần đến khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa ung bướu uy tín, không sử dụng thuốc lá, phương pháp dân gian bởi đã có nhiều bệnh nhân ung thư bỏ dở điều trị để theo các phương pháp điều trị không chính thống như thiên tiên dịch, cúng bái, aslem… và khi quay lại điều trị tại bệnh viện thì bệnh đã không thể cứu chữa vì họ đã bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị khỏi. Đồng thời phải tuân thủ thời gian kiểm tra định kì sau phẫu thuật, nhằm phát hiện sớm các tổn thương tái phát để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Nguyên Ngọc