- Đất Xanh đơn phương chấm dứt hợp đồng, người mua nhà lo bị thiệt thòi
- Chỉ đạo mới nhất về việc phá dỡ biệt thự 6.000m2 xây dựng trái phép trên đất làm lò gạch ở Bình Thuận
- Nợ thuế gần 12 tỷ đồng, Công ty cổ phần dệt Long An bị cưỡng chế ngừng cấp hóa đơn
- Web mạo danh Vietnam Airlines bán vé máy bay dịp gần Tết
- Bộ trưởng Bộ Công an: Xúc phạm nhân phẩm người khác, kiến nghị xử lý hình sự mà không xét hậu quả
Từ việc lập hợp đồng giả cách để được vay nợ, một gia đình ở tỉnh Bình Dương đã bị chủ nợ “hô biến” mảnh đất thế chấp, thành tài sản riêng, chuyển nhượng cho nhiều người khác.
Mất đất vào tay chủ nợ
Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ việc mất đất vì vay nợ bằng hợp đồng giả cách và mảnh đất sau đó được “hô biến” qua tay nhiều người khác.
Cụ thể, năm 2013, vợ chồng ông Trịnh Phước Hoà và bà Lê Thị Mỹ Hạnh (phường Định Hoà, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thông qua người môi giới đã vay của ông Nguyễn Quốc Việt và bà Trần Thị Mùi (Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) số tiền 1,3 tỷ đồng.
Theo phản ánh của vợ chồng ông Hoà, khi vay tiền, thay vì làm giấy tờ vay nợ thì vợ chồng ông Việt bà Mùi yêu cầu làm “hợp đồng chuyển nhượng đất” giả cách, với giá 1,3 tỷ đồng.
Hợp đồng thể hiện ông Hoà, bà Hạnh chuyển nhượng cho bà Mùi, ông Việt khu đất có diện tích 4.346,8m2 – thửa đất số 1702, tờ bản đồ số 15-2, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH03310, do UBND TP.Thủ Dầu Một cấp cho ông Trịnh Phước Hoà.
Lúc này, do đang cần tiền gấp nên vợ chồng ông Hoà đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng giả cách do phía ông Việt, bà Mùi soạn sẵn.
Trong quá trình thanh toán món nợ trên, ông Việt – bà Mùi đã tự ý làm thủ tục sang tên, đổi sổ sang tên mình, mà không thông báo cho ông Hoà, bà Hạnh biết.
Phát hiện sự việc, ông Hoà – bà Hạnh đã làm đơn ngăn chặn việc chuyển nhượng bất động sản (BĐS) của ông Việt – bà Mùi tại UBND phường Định Hoà.
Vợ chồng ông Hoà đã nộp đơn khởi kiện, yêu cầu huỷ hợp đồng chuyển nhượng giả cách giữa hai bên.
Ngày 13/5/2014 UBND phường Định Hoà mời các bên lên để hoà giải… Tuy nhiên, do các bên không tìm được tiếng nói chung, nên UBND phường Định Hoà đã hướng dẫn các bên giải quyết tranh chấp tại toà án.
Đất đang tranh chấp vẫn chuyển nhượng cho nhiều người khác
Khu đất đang bị tranh chấp, khởi kiện ra toà, nhưng ngày 26/5/2014, ông Việt – bà Mùi đã bỏ qua thủ tục “xác nhận tình trạng BĐS” tại UBND phường Định Hoà, để công chứng khu đất đang tranh chấp nói trên cho ông Võ Chí Nghĩa (ngụ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), thông qua “hợp đồng uỷ quyền” tại Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
Cùng ngày 26/5/2014, cũng tại Văn phòng Công chứng Mỹ Phước, ông Võ Chí Nghĩa đã thay mặt ông Việt – bà Mùi chuyển nhượng lại cho ông Trần Ngọc Hoàng (ngụ TP.HCM) khu đất nói trên. Tất cả các giao dịch đều bỏ qua thủ tục xác nhận tình trạng BĐS.
Sau đó, ngày 1/3/2016, ông Trần Ngọc Hoàng tiếp tục chuyển nhượng khu đất cho người khác.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Dân Việt, bà Trần Thị Mùi phủ nhận tất cả những thông tin mà vợ chồng ông Hoà – bà Hạnh phản ánh.
Bà Mùi khẳng định, năm 2013 bà cùng người em trai mua lại mảnh đất có diện tích 4.346,8m2 – thửa đất số 1702, tờ bản đồ số 15-2 tại phường Định Hoà, TP.Thủ Dầu Một từ chính vợ chồng ông Hoà – bà Hạnh với giá 1,3 tỷ đồng, chứ không phải cho vay tiền rồi làm hợp đồng giả cách như ông Hoà nói.
Cũng theo bà Mùi, việc mua bán diễn ra công khai, tự nguyện của 2 bên và có chứng nhận của Văn phòng công chứng.
“Tôi khẳng định giao dịch giữa gia đình tôi với vợ chồng ông Hoà – bà Hạnh là giao dịch mua bán, chuyển nhượng khu đất nói trên chứ không phải là cho vay tiền. Mọi thông tin cần thiết, cứ liên hệ TAND TP.Thủ Dầu Một để được rõ”, bà Mùi khẳng định.
Bà Mùi còn cho biết thêm, sau khi nhận chuyển nhượng khu đất nói trên từ ông Hoà – bà Hạnh, vợ chồng bà đã làm thủ tục sang tên sổ đỏ tại UBND TP.Thủ Dầu Một và ngày 25/6/2014, làm thủ tục uỷ quyền chuyển nhượng cho ông Võ Chí Nghĩa tại Văn phòng Công chứng Mỹ Phước.
Để thông tin được khách quan, PV tiếp tục liên hệ với Văn phòng Công chứng Mỹ Phước (nay đã đổi tên thành Văn phòng Công chứng Nguyễn Duy Linh).
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Duy Linh – Trưởng Văn phòng Công chứng Nguyễn Duy Linh cho biết, vào thời điểm ngày 26/5/2014, ông là công chứng viên của Văn phòng Công chứng Mỹ Phước và là người công chứng hợp đồng uỷ quyền giữa vợ chồng ông Việt – bà Mùi với ông Võ Chí Nghĩa.
Và trong chiều cùng ngày, cũng chính ông Linh là người công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất nói trên giữa ông Võ Chí Nghĩa với ông Trần Ngọc Hoàng.
“Khi kiểm tra các giấy tờ đều hợp lệ và chưa có thông báo hoặc quyết định ngăn chặn nào của tòa án hay cơ quan chức năng, nên chúng tôi tiến hành công chứng cho 2 bản hợp đồng uỷ quyền và chuyển nhượng khu đất nói trên theo đúng quy định của pháp luật”, ông Linh nói.
Ông Nguyễn Duy Linh khẳng định, thời điểm công chứng 2 bản hợp đồng nói trên, Văn phòng Công chứng Mỹ Phước đã không yêu cầu ông Việt – bà Mùi và ông Nghĩa thực hiện thủ tục xác nhận tình trạng BĐS.
Giải thích nguyên nhân không thực hiện thủ tục xác nhận tình trạng bất động sản, ông Nguyễn Duy Linh nói rằng thời điểm công chứng 2 hợp đồng nói trên tại tỉnh Bình Dương chưa có quy định bắt buộc người đi công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện thủ tục xác nhận tình trạng BĐS.
Theo giới luật sư, có thể hiểu đơn giản “hợp đồng giả cách” là hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu đi một hợp đồng khác. Để có thể qua mặt được người dân, các đối tượng cho vay thường có thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp, am hiểu về luật pháp. Thậm chí các đối tượng này đã được tư vấn kỹ về tính pháp lý trong trường hợp bị cơ quan tố tụng làm việc.