Trang chủ Giáo dục - Sức khoẻ Giáo dục Ép học sinh học thêm, bị phạt đến 10 triệu đồng

Ép học sinh học thêm, bị phạt đến 10 triệu đồng

Ngày đăng:
28

Dạy thêm học sinh tiểu học phạt đến 6 triệu đồng, làm lộ bí mật làm mất đề thi bị phạt đến 30 triệu đồng, xâm phạm nhà giáo chửi bới xâm phạm thân thể học sinh bị phạt 30 triệu đồng… được quy định trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được lấy ý kiến.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi về một số quy định trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Theo Bộ GD&ĐT, việc ban hành Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục là cần thiết khi các quy phạm pháp luật về giáo dục nói chung còn thiếu chế tài, cần được bổ sung trong đó chế tài xử phạt hành chính là một loại chế tài quan trọng.
Một số hành vi trái pháp luật đã xảy ra trên thực tế nhưng chưa có quy định để xử phạt; một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục chưa có chế tài. Vì vậy, cần bổ sung hành vi vi phạm để có cơ sở pháp lý xử phạt. Bên cạnh đó, khung tiền phạt của một số hành vi không còn phù hợp, cần sửa đổi để đảm bảo sức răn đe, còn thiếu các biện pháp khắc phục hậu quả mang tính đặc thù của ngành giáo dục.
Ép học sinh học thêm phạt đến 10 triệu đồng
Theo điều 8, Dự thảo quy định về tổ chức dạy thêm mức phạt dao động từ 2 đến 15 triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.

 

Ep hoc sinh hoc them, bi phat den 10 trieu dong
Ảnh minh họa.

 

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông.
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Ngoài ra, còn chịu hình thức phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép dạy thêm từ 6 đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều này; Đình chỉ hoạt động dạy thêm từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều này.
Buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép; dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, khi chưa được cấp phép; ép buộc học sinh học thêm; Buộc giải thể cơ sở dạy thêm đối với hành vi tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Cùng với đó, tại điều 9 vi phạm quy định về dạy thêm nêu rõ: “Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người dạy thêm không đạt trình độ chuẩn.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá”.
Xâm phạm thân thể giáo viên, học sinh bị phạt 30 triệu đồng
Theo nội dung Dự thảo Nghị định, các vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục và xúc phạm người học đều bị phạt hành chính ở những mức độ khác nhau.
Cụ thể, theo điều 29, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục có thể bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trong khi đó, hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000. Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Còn tại điều 32, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Hành vi xâm phạm thân thể người học bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Cùng với đó, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này và đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.
Dự thảo cũng quy định, hành vi xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1000.000 đồng. Trong khi đó, hành vi cản trở việc đi học của người học các cấp học phổ cập sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, dự thảo còn nhiều quy định chi tiết về mức phạt với nhiều hành vi khác như vi phạm quy định về thành lập cơ sở giáo dục hoặc thành lập tổ chức dịch vụ giáo dục; Vi phạm quy định về cho phép hoạt động giáo dục; Vi phạm quy định về tổ chức quản lý cơ sở giáo dục;
Vi phạm quy định hoạt động tư vấn du học; Vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; Vi phạm quy định về thông báo tuyển sinh, xác định chỉ tiêu tuyển sinh; Vi phạm quy định về đối tượng tuyển sinh;Vi phạm quy định về số lượng chỉ tiêu tuyển sinh; quy định về mở ngành đào tạo, chương trình đào tạo; Vi phạm quy định về đào tạo liên thông, liên kết đào tạo; Vi phạm quy định về thi;Vi phạm quy định về in phôi và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ; Vi phạm quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ…
Dự thảo sẽ lấy ý kiến đóng góp hết ngày 25/11/2018.
Theo Hải Ninh/Kiến thức