Trang chủ Đời sống tiêu dùng Một số điều cần lưu ý để sang tên Sổ đỏ an...

Một số điều cần lưu ý để sang tên Sổ đỏ an toàn và hợp pháp

Ngày đăng:
15
Khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng đất đai, nhà ở thì các bên sẽ phải sang tên Sổ đỏ cho bên nhận chuyển nhượng. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến một số điều cần lưu ý để sang tên Sổ đỏ an toàn và hợp pháp.

Một số điều cần lưu ý để sang tên Sổ đỏ an toàn và hợp pháp. (Ảnh minh họa)

Điều kiện sang tên Sổ đỏ

Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Theo điểm a khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đăng ký biến động.

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:

+ Người bán phải có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật đất đai 2013 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hợp pháp).

+ Đất, nhà ở không có tranh chấp.

+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

+ Trong thời hạn sử dụng đất.

+ Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế được ký kết hợp pháp (Mẫu Hợp đồng này được ban hành kèm Nghị định 76/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản).

Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất

Căn cứ Điều 191 Luật Đất đai 2013, một số trường hợp sau không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, gồm:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

– Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

– Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện

Căn cứ Điều 192 Luật Đất đai 2013, một số trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện, cụ thể:

– Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.

– Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.

– Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất.

Những lưu ý để sang tên Sổ đỏ an toàn và hợp pháp

Xem thông tin quy hoạch

Mặc dù theo quy định trong một số trường hợp thửa đất thuộc quy hoạch vẫn được chuyển nhượng nhưng không ai muốn nhận chuyển nhượng thửa đất thuộc quy hoạch vì giá bồi thường luôn thấp hơn giá nhận chuyển nhượng. Do vậy, cần kiểm tra thông tin quy hoạch, tránh tình trạng nhận chuyển nhượng một thời gian ngắn rồi bị thu hồi.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung 37 Luật liên quan đến quy hoạch 2018 thì toàn bộ nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố công khai theo quy định sau:

– UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan, trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện; công bố công khai nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở UBND cấp xã.

– Việc công bố công khai được thực hiện chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Việc công khai được thực hiện trong suốt thời kỳ quy hoạch sử dụng đất.

Như vậy, để kiểm tra thửa đất có thuộc quy hoạch hay không thì kiểm tra qua các cách sau:

– Hỏi thông tin từ người dân tại khu vực có thửa đất.

– Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

– Hỏi thông tin từ địa chính xã, phường, thị trấn nơi có đất.

– Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Thông tin về thế chấp Sổ đỏ

Khi thế chấp nếu các bên thực hiện đúng quy định thì thông tin thế chấp sẽ được ghi tại trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận nên có thể xem thửa đất có thế chấp hay không tại trang 3, trang 4 của Giấy chứng nhận hoặc xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Kiểm tra mục đích sử dụng đất trên Sổ đỏ

Theo khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 thì một trong những nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện khi sử dụng đất là sử dụng đúng mục đích, nếu không sử dụng đúng mục đích.

Theo đó, cần kiểm tra mục đích sử dụng đất trước khi chuyển nhượng để tránh nhầm lẫn, chuyển nhượng không đúng loại đất hoặc đất không được chuyển nhượng, tặng cho.

Có 2 cách kiểm tra mục đích sử dụng đất là xem tại trang 2 Giấy chứng nhận hoặc sổ địa chính vì mục đích sử dụng đất được thể hiện tại trang 2 của Giấy chứng nhận và ghi thống nhất với sổ địa chính bằng tên gọi cụ thể như: “Đất ở tại nông thôn”, “Đất ở tại đô thị”, “Đất thương mại, dịch vụ”.

Kiểm tra lịch sử biến động của thửa đất

Thực tế hiện nay rất nhiều thửa đất đã được mua đi bán lại nhiều lần nhưng không thực hiện thủ tục sang tên theo quy định dẫn tới tình trạng người đang sử dụng đất không phải là người đứng tên trên Giấy chứng nhận. Để tránh xảy ra tranh chấp thì cần kiểm tra thông tin về lịch sử giao dịch của thửa đất tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Theo Hoàng Mai/Người đưa tin