- Long An: Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường
- Tập đoàn Hà Đô chi nhánh miền Nam bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Hủy hoại hơn 1,8ha đất, Công ty Xây dựng Bắc Ái bị phạt 210 triệu đồng
- Cán bộ bị tố làm lộ thông tin CIC của 2 cá nhân: Ngân hàng vẫn im lặng
- TP.HCM: Phạt 120 triệu đồng một cơ sở spa gội đầu dạy tiêm filler, botox ‘chui’
Thanh tra Chính phủ vừa có Thông báo kết luận thanh tra của 3 tập đoàn lớn, trong đó đáng chú ý là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dù để mất gần 11.000ha đất nhưng chỉ bị kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm?
Gần 11.000ha bị lấn, chiếm
Tại Thông báo kết luận (TBKL) của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra những tồn tại vi phạm, khuyết điểm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (gọi tắt là Tập đoàn Cao su). Tại TBKL nêu rõ Tập đoàn Cao su quản lý và sử dụng với diện tích đất hơn 371.000ha đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp và tính tính 31/12/2017…
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm quy định pháp luật nhưng Tập đoàn Cao su chỉ bị kiến nghị chấn chỉnh khắc phục |
Công tác quản lý hồ sơ đất đai trước đây của Tập đoàn còn sơ sài, không đầy đủ, chủ yếu sử dụng hồ sơ, bản đồ địa hình, đo đạc lạc hậu, công cụ quản lý thô sơ, nhân lực mỏng, diện tích được giao lại quá lớn… dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai.
Tính đến ngày 31/12/2017, các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để 10.710,36ha đất bị lấn, chiếm tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và để diện tích đất chồng lấn giữa các Công ty thuộc Tập đoàn với các đối tượng khác chủ yếu là người dân lên tới 1.737,44ha. Đến thời điểm thanh tra, tập đoàn đã giải quyết dứt điểm được 476,2ha, chưa được giải quyết dứt điểm là 11.971,6ha (lấn, chiếm là 10.347,36ha; chồng lấn 1.624,24ha), vi phạm quy định của pháp luật đất đai.
Về việc xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước: Tập đoàn quản lý, sử dụng 759 cơ sở nhà đất (diện tích đất là 1.200,39ha, diện tích nhà là 1.176.187m2) thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp theo Quyết định số 09 ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên đến ngày 31/12/2017, Tập đoàn đã trình cơ quan chức năng về việc xử lý, sắp xếp 43 cơ sở, chiếm 5,7% (diện tích đất 15,39ha, diện tích nhà 42.198m2); Số cơ sở nhà đất còn lại chưa được phê duyệt xử lý, sắp xếp theo quy định là 716 cơ sở, chiếm 94,3% (diện tích đất 1.185ha, diện tích nhà 1.133.989m2), hiện mới hoàn tất công tác kiểm tra hiện trạng.
Trước đó TTCP đã chỉ ra vi phạm trong việc giao đất tại trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su thuộc Tập đoàn Cao su |
Việc tập đoàn cho thuê một phần đất diện tích văn phòng làm việc chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 tại số 177, Hai Bà Trưng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; số 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội và cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn, chiếm chưa thu hồi được tại nhà E1, phố Tạ Quang Biểu, quận Hai Bà Trưng; Tạp chí Cao su cho thuê làm nhà ở không đúng mục đích được giao tại số 680/44 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 25, Bình Thạnh và số 143/10 Ung Văn Khiêm, Phường 25, quận Bình Thạnh.
Công ty Tài chính cao su ký hợp đồng mua tài sản là quyền sử dụng đất năm 2004, 2005 để làm trụ sở Văn phòng Công ty (nếu so với giá đất do UBND TP HCM ban hành năm 2018 thì giá mua cao hơn) nhưng không lập Báo cáo nghiên cứu khả năng, chưa có dự án đầu tư được phê duyệt, vi phạm Nghị định 07/2003; nghị định 52/1999; NĐ 199/2004 của Chính phủ. Năm 2008, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Zang sử dụng một phần quỹ phúc lợi mua nhà số 55, Nguyễn Minh Hoàng, Phường 12, quận Tân Bình, TP HCM, nếu so với giá đất do UBND TP HCM ban hành năm 2018 thì giá mua cao hơn.
Việc Tập đoàn ban hành Quyết định số 183 ngày 3/3/2008 cho phép Công ty Cao su Phú Riềng chuyển giao 96,18ha đất cao su, sau đó UBND tỉnh Bình Phước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (không phải là tổ chức kinh tế nên không được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư) là chưa thực hiện đúng quy định Luật Đất đai 2003.
Việc Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú cho cán bộ, công nhân viên mượn đất (đất phi nông nghiệp) làm nhà ở với tổng diện tích 0,81ha tại trụ sở Nông trường Tân Thành xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (lô đất này đã được địa phương cấp GCNQSD đất ngày 20/9/2007 cho công ty), đến nay có 33 cán bộ, công nhân viên đang sử dụng diện tích này làm nhà ở là vi phạm khoản 3, Điều 12, Luật Đất đai năm 2003.
Việc Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho 44 công nhân mượn 2.575,75m2 nhà để ở trên diện tích 3,2ha đất là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
Một khu đất đã được TTCP chỉ ra sai phạm trong việc giao đất, thuê đất không đúng mục đích của Tập đoàn Cao su |
Tập đoàn Cao su chỉ chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với khuyết điểm, vi phạm?
Với các sai phạm nêu trên Thanh tra Chính phủ kiến nghị đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm của đoàn như kết luận thanh tra; Kiểm tra, rà soát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất cho thuê đất chuyển nhượng dự án… theo thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo với các địa phương để sớm bố trí kịp thời ngân sách thực hiện việc rà soát xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất đối với 57.793,79ha đất cao su nhằm phòng ngừa ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm đất đai và hoàn trả kinh phí các công ty thành viên của tập đoàn đã chi trả cho việc thực hiện nhiệm vụ này. Tập đoàn cùng với các địa phương tổng hợp, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ có phương án hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo quy định pháp luật.
TTCP còn chỉ ra Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum có dấu hiệu sai phạm trong đấu giá tài sản công |
Tập đoàn chủ động, phối hợp, đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm diện tích đất bị lấn, chiếm tranh chấp và diện tích đất chồng lấn để ổn định sản xuất, kinh doanh, sử dụng đất có hiệu quả, tránh tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước, quản lý, sử dụng đất đúng quy định của pháp luật; Khẩn trương, phối hợp với các cơ quan chức năng của các địa phương để hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với 29.708ha đất; Phối hợp với UBND tỉnh, thành phố để tiến hành bàn giao đất đã có quyết định thu hồi và diện tích theo phương án cổ phần hóa được duyệt là 17.418,68ha; Rà soát, báo cáo UBND tỉnh Bình Phước xử lý đối với diện tích 96,18ha đã cho trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su thuê, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Tập đoàn Cao su cần xử lý các tồn tại, vi phạm trong việc cho thuê văn phòng làm việc, cho thuê, mượn nhà, đất không đúng quy định; Để xảy ra tình trạng lấn, chiếm nhà, đất; Để nhà trống, không sử dụng gây lãng phí; Rà soát, xử lý và chịu trách nhiệm đối với một số đơn vị thuộc Tập đoàn mua một số cơ sở nhà, đất với giá cao, chưa đúng quy định; Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng thực hiện kê khai, nộp tiền thuê đất từ năm 2008 đến nay đối với diện tích đất được tỉnh Đắk Nông giao, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật…
Việc để xảy ra hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng của Tập đoàn và các công ty thành viên cũng như cách khắc phục, xử lý chậm chạm, nếu Thanh tra Chính phủ không phát hiện liệu các trường hợp trên còn tồn tại đến bao giờ? Với trách nhiệm khi để mất gần 11.000ha đất nhưng Tập đoàn Cao su chỉ bị kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những khuyết điểm, vi phạm như kết luận thanh tra, liệu như vậy có quá nhẹ so với hành vi vi phạm?
Theo Văn Quân/Tuổi trẻ thủ đô
https://tuoitrethudo.com.vn/tap-doan-cong-nghiep-cao-su-viet-nam-de-mat-gan-11000ha-dat-chi-bi-chan-chinh-khac-phuc-163748.html?fbclid=IwAR3cT8DaM2oIHMSLtzZ7TylrP_2I0J5O-OgesCpI_OqafsZOCiRjKAx_T-I