Trang chủ Giáo dục - Sức khoẻ Giáo dục Lên tiếng chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần và nâng...

Lên tiếng chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần và nâng cao an toàn trên môi trường mạng cho trẻ em

Ngày đăng:
14

Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì và trường THCS Tây Đằng triển khai 03 sáng kiến học sinh về chủ đề ”Lên tiếng chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần và nâng cao an toàn trên môi trường mạng”.  Hoạt động thuộc dự án “Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử đối với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật (viết tắt là AVAC)” thuộc Chương trình Trẻ em và Thanh niên của MSD Vietnam. Dự án được tài trợ bởi Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (Save the Children International).

Thầy cô và các em học sinh chụp ảnh lưu niệm cùng BTC tại Chương trình tổng kết sáng kiến học sinh về chủ đề ”Lên tiếng chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần và nâng cao an toàn trên môi trường mạng”.

Trước đó, vào ngày 11.11.2023, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Vietnam) đã phối hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì và trường THCS Tây Đằng đã tổ chức buổi “Phát động thu thập sáng kiến của học sinh trong hoạt động lên tiếng chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần và nâng cao an toàn trên môi trường mạng”. Tại đây, các em học sinh  đã có cơ hội thảo luận, trao đổi về chủ đề sáng kiến cũng như cách triển khai xây dựng sáng kiến cùng chuyên gia, từ đó giúp các em nắm rõ hơn những kiến thức liên quan tới an toàn trên không gian mạng và giáo dục tích cực làm cơ sở để triển khai xây dựng sáng kiến tại lớp học.

Trải qua hơn 1 tháng kể từ ngày phát động thu thập sáng kiến học sinh, gần 20 sáng kiến đã được gửi về chương trình và 11 sáng kiến tiềm năng đã được lựa chọn để trình bày trong buổi tổng kết sáng kiến. Chiều ngày 29.12.2023, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì đã diễn ra Chương trình tổng kết sáng kiến của học sinh về chủ đề ”Lên tiếng chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần và nâng cao an toàn trên môi trường mạng”. Tại đây, các học sinh thuyết trình và trao đổi với ban giám khảo về sáng kiến, thông qua đó thể hiện sự tự tin, sáng tạo và mong muốn tạo ra sự thay đổi tại gia đình, trường học và cộng đồng nơi các em sinh sống. 3 sáng kiến suất xắc nhất đã được lựa chọn và trao giải, cụ thể như sau: Giải Nhất: Sáng kiến ‘Lên tiếng trừng phạt thể chất, tinh thần, và nâng cao an toàn trên môi trường mạng’ – Em Hoàng Linh Nhi lớp 8A; Giải Nhì: Sáng kiến ‘Mạng xã hội và một số kênh trao đổi Internet’ – Em Phùng Trường Giang lớp 7B; Giải Ba: Sáng kiến ‘B.a.o l.u.c thể chất và tinh thần trên mạng’ – Em Đỗ Thị Như Mai lớp 7B.

Các học sinh trường THCS Tây Đằng Văn nghệ Công dân số chuẩn

Trên cơ sở những góp ý, đề xuất của BTC, các em học sinh đã có hoàn thiện hơn các sáng kiến của mình và cùng nhau thảo luận với sự tham vấn của thầy cô để phổi hợp triển khai vào tháng 05.2024. Những hoạt động được thống nhất triển khai như sau: Hòm thư Kết nối yêu thương; Poster Phòng chống bạo lực thể chất tinh thần; Phát thanh Măng non; Câu chuyện tích cực Chấm dứt bạo lực thể chất tinh thần; Clip Công dân số – Phòng chống bạo lực học đường.

Những hoạt động thú vị và đầy ý nghĩa của các học sinh và thầy cô trường THCS Tây Đằng đã được Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) đưa tin vào ngày 05.06.2024 với tiêu đề “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên mạng xã hội“. Tại đây, các học sinh đã có dịp chia sẻ về động lực lựa chọn, phát triển và triển khai sáng kiến: “Các bạn đang sử dụng mạng xã hội và lạm dụng mạng xã hội quá nhiều và không hiệu quả. Sáng kiến của em giúp các bạn hiểu hơn về mạng xã hội”, “Con mong các bạn có thể quan tâm nhiều hơn đến phụ huynh, đến thầy cô và đến mọi người xung quanh hơn là chỉ tập trung vào mạng xã hội”, “Lý do em tham gia dự án là em muốn giúp cho mọi người, nhất là các bạn đồng trang lứa và các em nhỏ có thể hiểu được và tránh xa các tình trạng bạo lực đang ngày một nhiều và gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng”.

Các học sinh và giáo viên trường THCS Tây Đằng bên cạnh hòm thư Kết nối yêu thương

Cũng trong phóng sự này, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện MSD chia sẻ “Trẻ em có quyền được tiếp cận với thông tin, vậy làm thế nào để các bạn có thể trở thành một công dân số chuẩn – sử dụng Internet thông minh và an toàn, trở thành một phần của giải pháp để bảo vệ chính mình, cũng như là những người xung quanh. Với trường THCS Tây Đằng, Viện MSD tổ chức cuộc thi mà chính các em học sinh sẽ đưa ra sáng kiến sao cho các bạn có thể tương tác, giao lưu và học tập trên môi trường mạng một cách lành mạnh nhất. Cùng với các thầy cô, chúng tôi đã chấm điểm những sáng kiến này, lựa chọn những sáng kiến xuất sắc nhất, và sau đó đồng hành và cung cấp nguồn lực để thực hiện những sáng kiến. Các em rất vui khi tham gia, các em là chủ của sáng kiến và các em được hiện thực hóa cùng với bạn bè và thầy cô giáo. Từ đây, các em có thể lan tỏa về cách sử dụng mạng Internet an toàn và các bạn cũng không bị bắt nạt và đi bắt nạt người khác trên môi trường mạng”.

Bà Trần Thị Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện MSD chia sẻ với ANTV

Hoạt động triển khai sáng kiến học sinh đã kết thúc chuỗi hoạt động thu thập, tổng kết và hiện thực hóa sáng kiến học sinh về chủ đề “Lên tiếng chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần và nâng cao an toàn trên môi trường mạng”. Những hoạt động này đã thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của học sinh trong việc xây dựng sáng kiến về loại bỏ những hình thức trừng phạt thân thể, tinh thần với trẻ em, thông qua việc tạo cơ hội để các em trình bày và hiện thực hóa sáng kiến. Đồng thời, kiến thức và kỹ năng trong không gian mạng được phát triển, giúp các học sinh tự tin khám phá và tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và nhà trường có cái nhìn toàn cảnh về thực trạng sử dụng mạng xã hội của học sinh, cũng như những mối quan tâm của các em đối với chấm dứt trừng phạt thể chất tinh thần, từ đó kịp thời đưa ra giải pháp.

Như vậy, các hoạt động trên cũng đã góp phần vào các mục tiêu của chiến dịch Lan tỏa yêu thương 2024 với chủ đề “Giáo dục bằng yêu thương – yêu thương đẩy lùi bạo lực”. Chiến dịch hướng tới các đối tượng là cha, mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, các bên liên quan về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ, đặc biệt là thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.

PV