- Ra mắt phẩn mềm cho hệ thống nhận diện biển số xe và gương mặt
- Lumi khẳng định vị thế với loa thông minh điều khiển bằng giọng nói tiếng việt
- YBA Tân Sơn Nhất tổ chức giao lưu chia sẻ mô hình hoạt động hiệu quả với Fsoft HCM
- BIT 4.0 & Tương lai phát triển ô tô điện tại Việt Nam
- 38 quốc gia tham dự triển lãm Vietwater và RE & EE – 2017
Tại hội thảo An ninh mạng: Ai làm chủ? do RMIT Việt Nam tổ chức tuần này, các chuyên gia quốc tế đã tập trung thảo luận một số vấn đề an ninh mạng cấp thiết nhất trên thế giới hiện nay, đồng thời xem xét cách vượt qua những mối nguy này để giữ cho thông tin của chúng ta an toàn.
Trong hàng loạt chủ đề được đưa ra thảo luận có hai vấn đề chính nổi bật: tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề an ninh mạng, và vai trò của nguồn lực con người trong thực hiện điều này.
Theo Trưởng khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT Việt Nam, Phó giáo sư Mathews Nkhoma, việc kết nối mạng phát triển cực nhanh cũng như nhịp độ chuyển đổi kỹ thuật số diễn ra chóng mặt khiến châu Á, đặc biệt là Việt Nam, dễ bị tấn công mạng.
Ông nói: “Theo báo cáo về nguy cơ mạng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương do công ty Marsh & McLennan thực hiện năm 2017, các tổ chức và doanh nghiệp ở châu Á mất 1,7 lần lâu hơn các nơi khác trên thế giới để phát hiện ra một vụ tấn công, và 78 phần trăm người dùng internet ở châu Á không được đào tạo gì về an ninh mạng”.
Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam nằm trong nhóm mười quốc gia dễ bị nhắm đến nhất và là mục tiêu của tấn công mạng từ năm 2015 đến 2017. Riêng năm 2017, Việt Nam đã mất 542,8 triệu đô la Mỹ do tấn công mạng.
Giáo sư Matthew Warren, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu An ninh mạng của Đại học Deakin và là diễn giả chính của hội thảo, đã bổ sung thêm rằng an ninh mạng vững là yếu tố nền tảng của sự phát triển và thịnh vượng của một quốc gia trong kinh tế toàn cầu, và quan trọng với an ninh quốc gia.
“Nguy cơ và lỗ hổng an ninh toàn cầu hiện ảnh hưởng tới mọi tổ chức và khách hàng của họ. Tính chất phức tạp của an ninh mạng khiến các tổ chức càng khó hiểu các nguy cơ và vì vậy khó kiểm soát an ninh mạng”, Giáo sư Warren cho biết.
Ông còn nhấn mạnh đến mối liên kết giữa nguồn lực con người và sự phức tạp trong duy trì an ninh. Nhìn từ quan điểm an ninh mạng, nguồn tài nguyên con người có thể thất bại do thiếu kinh nghiệm, đào tạo không phù hợp và giả định sai. Vì vậy, đầu tư vào phát triển kỹ năng mạng, cũng như tuyển dụng và duy trì đội ngũ nhân viên an ninh mạng là việc hết sức quan trọng cho các tổ chức.
“Hiện còn thiếu một triệu chuyên gia an ninh mạng trên toàn cầu”, Giáo sư nói và bổ sung thêm rằng con số này dự báo sẽ tăng lên 1.5 triệu vào năm 2019.
Về những kỹ năng cần có ở chuyên gia an ninh mạng tương lai, Giáo sư Warren cho biết họ sẽ cần chuyên môn kỹ thuật để vận hành những kỹ thuật an ninh trọng yếu, kỹ năng tổ chức để định hướng chính sách và nguy cơ, kỹ năng liên quan con người để làm việc với người khác, và kỹ năng mềm để giao tiếp.
Tương tự, Phó giáo sư Nkhoma thảo luận về tầm quan trọng của nguồn lực con người trong quản lý an ninh mạng. Ông kêu gọi chuyển đổi từ phân tích kinh doanh sang phân tích con người.
“Các tổ chức có thể chuyển từ việc dùng dữ liệu để hiểu từng mảng trong vận hành kinh doanh sang dùng dữ liệu để hiểu hành vi của nhân viên”, Phó giáo sư giải thích.
“Bằng cách áp dụng phân tích con người, chúng ta có thể nắm được cách kiến thức an ninh thông tin được chia sẻ và tạo ảnh hưởng như thế nào trong một tổ chức, nhận diện ra người tạo ảnh hưởng cũng như các nhân tố tạo ảnh hưởng, sau đó tiếp cận những người tạo được ảnh hưởng để thực hiện an ninh thông tin”.
Trong một tổ chức, những người thường đưa ra lời khuyên liên quan đến an ninh và công nghệ là những người có ảnh hưởng lớn nhất lên hành vi an ninh thông tin.
“Một khi nhận diện được những người này, chúng ta có thể xây dựng chiến lược và làm việc cùng với họ, đồng thời nâng cao an ninh của cả tổ chức”, Phó giáo sư kết lời.
Hữu Phúc