- Công ty Phúc Khang bị khách hàng “tố” mang sổ đỏ dự án Làng Sen Việt Nam đi cầm cố ngân hàng
- Dự án Summer Land Mũi Né Resort: Khách hàng cẩn trọng!
- TP.HCM: Nhiều dự án bán nhà trên giấy
- Địa ốc Đất Vàng huy động vốn trái luật tại dự án Nam Long TAT?
- Hàng loạt dự án vào “danh sách đen” của tỉnh Bình Phước
Trên thị trường địa ốc, việc các “đại gia” đua nhau xé rào bán “lúa non” không phải là câu chuyện hiếm. Thế nhưng, hệ luỵ gây ra cho thị trường bất động sản là không hề nhỏ. Nếu khách hàng gặp chủ đầu tư “đàng hoàng” thì dự án sẽ được triển khai một cách bài bản. Ngược lại, nếu vì 1 lý do nào đó, hay câu chuyện tài chính có vấn đề, nhiều người xuống tiền có thể học bài học nhãn tiền, khi đã vung tiền mua… cục tức.
Cái bẫy … bán “lúa non”
Thời gian gần đây tại TP.HCM, nhiều chủ đầu tư cố tình lách luật để huy động vốn từ khách hàng bằng các loại hợp đồng đầu tư như đặt cọc giữ chỗ, ký giữ chỗ, hợp đồng góp vốn. Trong khi đó, các dự án này chưa hoàn thành kết cấu hạ tầng, chưa đủ điều kiện mở bán. Đây được xem là nguyên nhân đẩy hàng loạt khách hàng vào thể “dở khóc dở cười”. Thậm chí, nhiều người bất an khi phát hiện chủ đầu tư đem dự án đã bán mang cầm cố ngân hàng để huy động vốn thêm lần nữa.
Dự án Flora Novia đường Phạm Văn Đồng, phường Linh Tây, quận Thủ Đức do Công ty CP Đầu tư Nam Long (Nam Long Group) làm chủ đầu tư chỉ mới đang tiến hành thử tải. Thế nhưng, theo thông tìm hiểu của PV, qua 2 đợt mở bán ngày 12.8 và 8.9, chủ đầu tư đã bán hết các căn hộ cho khách hàng.
Ở dự án Green Star Sky Garden (Nguyễn Lương Bằng, quận 7), “ông lớn” Hưng Lộc Phát (Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát) cũng… bất chấp tất cả để huy động vốn khi chỉ mới được phê duyệt 1/500, và đang trong tiến trình xin phép xây dựng.
Đắng cay hơn khi 2 dự án do Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) làm chủ đầu tư đều đã thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng. Cụ thể, dự án Khu nhà ở cao tầng Bình Chiểu đã thế chấp quyền sử dụng đất (lô H) cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong – Chi nhánh Hùng Vương. Bên cạnh đó, lô I thuộc dự án Khu nhà ở Bình Chiểu với diện tích 6.748m2 có quy mô 398 căn hộ cũng bị mang đi thế chấp tại Ngân hàng TP CP Tiên Phong.
Đặc biệt dự án chung cư cao cấp Centum Wealth (do Công ty TNHH Bách Phú Thịnh làm chủ đầu tư) diện tích 11.582m2, quy mô 518 căn hộ. Hiện dự án đã thế chấp quyền sử dụng đất và nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án cho Ngân hàng TM CP Ngoại thương Việt Nam (chi nhánh Gia Định). Được biết, Công ty TNHH Bách Phú Thịnh ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản với vốn điều lệ 178 tỷ đồng, trong đó Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức góp 51% và Công ty Daewon Co.,Ltd góp 49% vốn hợp tác đầu tư.
Đặt niềm tin, nhận bội tín
“Đời không như là mơ”, khi mới đây, một số cư dân có căn hộ tại chung cư The Goldview (346 Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4, TP.HCM) tố đơn vị phát triển dự án bàn giao thiếu các thiết bị, hạng mục, mặc dù đã bàn giao sản phẩm hơn 6 tháng. Ngoài ra, hệ thống PCCC chưa đảm bảo, camera an ninh chưa được trang bị đầy đủ, chưa có biện pháp ngăn chặn người lạ từ bên ngoài vào, rác sinh hoạt và rác công trình bị tồn ứ thường xuyên, ô nhiễm tiếng ồn. Mặc dù cư dân đã nhiều lần phản ánh lên đơn vị quản lý nhưng chưa được xử lý triệt để.
Dự án Sunshine Avenue (quận 8) do Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư và Kinh doanh Địa ốc Minh Bình và Công ty Đất Xanh Đông Nam Bộ làm đơn vị phát triển dự án cũng rơi vào tình trạng “tai tiếng” khi nhiều khách hàng đã xuống tiền tìm đến để đòi lại tiền và bắt đền bù hợp đồng khi dự án chậm tiến độ hơn 11 tháng, thậm chí còn chưa hoàn thiện xong phần móng. Được biết, nguyên nhân sâu xa do chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn khi chưa xong khâu thủ tục pháp lý.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, việc rất nhiều dự án cố tình “lách luật” để huy động vốn không phải là vấn đề mới, đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng vẫn có không ít khách hàng phải lãnh hậu quả từ những việc làm đó.
Khi tìm mua căn hộ hay đất nền dự án, Khách hàng cần tìm hiểu xem nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp của dự án, chủ đầu tư có uy tín không? có quỹ đất không? để tránh mua phải những dự án không rõ ràng. Khách hàng cần biết dự án đã có đầy đủ giấy tờ hay thủ tục pháp lý chưa như: Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, Văn bản thẩm duyệt thiết kế PCCC, Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, Quyết định công nhận chủ đầu tư và chấp thuận dự án, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và Giấy phép xây dựng, mẫu hợp đồng mua bán căn hộ đã được cơ quan chức năng chấp thuận, Hóa đơn GTGT, Đơn giá tiền sử dụng đất…
Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định rõ, chỉ khi nào dự án làm xong móng, hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc khi các công ty bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Rủi ro khi mua căn hộ tại dự án thế chấp ngân hàng. Theo khoản 1, điều 147 của Luật Nhà ở năm 2014, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tuy nhiên, trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ đã được cầm cố.
Theo Dịch Phong/ Báo Đời sống & Tiêu dùng